Chiến dịch lần thứ ba (1767–1768) Chiến_tranh_Thanh-Miến

Tập tin:Qianlong General.jpgTướng Thanh Minh Thụy

Quân Thanh động binh

Sau khi bị đánh bại hai lần, hoàng đế nhà Thanh và triều thần không thể nào hiểu được một quốc gia "man di" nhỏ bé như Miến Điện lại có thể kháng cự lại uy vũ của nhà Thanh.[16] Với Càn Long, đã đến lúc quân chính quy Mãn Thanh xung trận. Ông luôn nghi ngại khả năng tác chiến của quân Lục Doanh người Hán. Người Mãn Châu tự coi là một dân tộc chinh phục thiện chiến, còn người Hán là một sắc dân nô dịch.[29] Càn Long ra lệnh nghiên cứu hai cuộc chinh phạt trước, và bản báo cáo càng làm tăng thêm thành kiến của ông— rằng sự yếu kém của quân Lục Doanh là nguyên nhân dẫn đến thất bại.[11]

Năm 1767, bổ nhiệm viên tướng người Mãn Châu lão luyện là Minh Thụy, cũng là con rể, làm tổng đốc Vân Nam và Quý Châu, chỉ huy chiến dịch Miến Điện. Minh Thụy đã tham chiến chống người Thổ tại vùng tây bắc, và chỉ huy vùng đất trọng yếu Y Lê (nay thuộc Kazakhstan). Sự bổ nhiệm này có nghĩa đây không còn là việc tranh chấp biên giới mà là một cuộc chiến tranh toàn diện. Minh Thụy tới Vân Nam vào tháng 4. Một lực lượng viễn chinh gồm các binh lính tinh nhuệ Mãn Châu và Mông Cổ được cấp tốc đưa xuống từ Hoa BắcMãn Châu. Trong khắp nội địa Trung Hoa các tỉnh được huy động để cung ứng tiếp liệu..[29] Đạo quân này được hỗ trợ bởi hàng ngàn quân Lục Doanh từ Vân Nam và thổ binh Thái-Shan.[13] Tổng cộng đạo quân xâm lược có khoảng 50.000 quân, phần lớn là lục quân. Địa hình sơn cước và rừng rậm Miến Điện không phù hợp cho kỵ binh tác chiến.[5] Để phòng ngừa dịch bệnh, là vấn đề mà quân Thanh giờ rất coi trọng, cuộc hành binh được hoạch địch trong mùa đông, khi mà dịch bệnh ít tràn lan nhất.[29]

Miến Điện động binh

Miến Điện phải đương đầu với một đạo quân Trung Hoa lớn nhất từ trước đến giờ chuẩn bị xâm lược họ. Dù vậy, vua Hsinbyushin dường như không nhận thức được sự nghiêm trọng của tình hình. Trong suốt hai cuộc xâm lược trước, ông luôn luôn không chịu gọi về các đạo quân chính của Miến Điện, vốn đang chinh chiến tại Xiêm từ tháng 1 năm 1765 và bao vây kinh đô Ayutthaya từ tháng 1 năm 1766. Trong suốt năm 1767, khi quân Trung Hoa đang điều động lực lượng chuẩn bị cho cuộc viễn chinh, quân Miến Điện vẫn chỉ chú tâm vào việc đánh bại người Xiêm. Thậm chí sau khi kinh đô Xiêm đã bị chiếm vào tháng 4 năm 1767, Hsinbyushin vẫn giữ một bộ phận lớn quân đội tại Xiêm trong các tháng mùa mưa để đánh dẹp tàn quân Xiêm trong mùa đông tới. Thậm chí ông còn cho các đơn vị quân Shan và Lào giải giáp vào đầu mùa mưa năm đó.[30]

Kết quả là khi cuộc chiến bắt đầu tháng 11 năm 1767, hệ thống phòng thủ của Miến Điện vẫn chưa được nâng cấp để đối phó với một địch thủ mạnh mẽ và quyết tâm hơn rất nhiều. Bộ chỉ huy của quân Miến vẫn giống như lần trước, Hsinbyushin vẫn chỉ định các chỉ huy lần trước để chống lại quân Trung Hoa. Maha Sithu chỉ huy đạo quân chủ lực, và là tổng chỉ huy chiến trường, với Maha Thiha ThuraNe Myo Sithu chỉ huy hai cánh quân Miến còn lại. Balamindin lại được lệnh phòng thủ thành Kaungton.[31] (Với đạo quân chủ lực của Miến Điện chỉ có khoảng 7000 binh,[32] toàn bộ lực lượng Miến Điện khi bắt đầu cuộc viễn chinh lần thứ ba không thể vượt quá 20.000 quân.)

Các lộ quân trong cuộc viễn chinh lần thứ ba (1767-1768)

Quân Thanh tấn công

Minh Thụy dự trù tấn công theo hai gọng kìm ngay khi mùa mưa chấm dứt. Đạo quân chủ lực do chính Minh Thụy chỉ huy sẽ tiến vào Ava theo đường Hsenwi, LashioHsipaw, dọc theo sông Namtu. (Đường tiến quân chính sử dụng hướng tấn công do quân Thanh truy đuổi Vĩnh Lịch Đế nhà Minh một thế kỷ trước). Đạo quân thứ hai do tướng Ngạch Nhĩ Cảnh Ngạch (額爾景額) chỉ huy, lại tiến theo hướng Bhamo.[33][34] Mục tiêu chính của cả hai đạo quân là hội quân thành một gọng kìm siết chặt thủ đô Ava của người Miến.[5] Kế hoạch của quân Miến là kìm chân đạo quân Thanh tại phía bắc Kaungton với cánh quân của Ne Myo Sithu, và đón đánh cánh quân chủ lực của quân Thanh ở miền đông bắc với hai cánh quân của Maha Sithu và Maha Thiha Thura.[31]

Ban đầu, mọi việc tiến hành đúng theo kế hoạch của nhà Thanh. Cuộc viễn chinh bắt đầu tháng 11 năm 1767 với cánh quân phụ của quân Thanh đánh chiếm Bhamo. Chỉ trong vòng 8 ngày, cánh quân chủ lực của Minh Thụy chiếm các tiểu quốc Shan Hsenwi và Hsipaw.[31] Minh Thụy đặt Hsenwi thành căn cứ hậu cần, để lại đây 5.000 quân bảo vệ phía sau lưng, rồi dẫn 15.000 quân về hướng Ava. Cuối tháng 12, tại đèo Goteik (phía nam Hsipaw), quân hai bên đối mặt trong một trận quyết chiến đầu tiên kể từ khi chiến dịch bắt đầu. Không chống lại được quân Thanh đông gấp hai lần, đạo quân chủ lực của Miến do Maha Sithu bị quân Bát kỳ đánh tan tác. Maha Thiha Thura cũng bị đánh lui tại Hsenwi.[35][36] Tin về trận đại bại tại Goteik bay về Ava. Vua Hsinbyushin cuối cùng cũng nhận ra tình hình nguy cập, và gấp rút gọi các đạo quân viễn chinh Miến từ Xiêm về.[30]

Sau khi đánh vỡ đạo quân chủ lực của Miến Điện, Minh Thụy xua quân tiến lên, đánh chiếm hết thị trấn này đến thị trấn khác và đến được Singu trên bờ sông Irrawaddy, chỉ cách Ava có 30 dặm về phía bắc vào đầu năm 1768. Với người Miến, tin tốt duy nhất mà họ nhận được là việc cánh quân xâm lược thứ hai ở phía bắc, vốn định theo dòng Irrawaddy hội binh với quân chủ lực của Minh Thụy, đã bị chặn đứng tại Kaungton.[35]

Quân Miến phản công

Tập tin:Map of Ava Capital of Konbaung Dynasty.jpgAva

Tại Ava, Hsinbyushin nổi danh vì không khiếp sợ trước viễn cảnh một đạo quân Trung Hoa lớn (khoảng 30.000 quân)[37][38] đã đến trước cửa. Triều đình giục nhà vua bỏ trốn, nhưng nhà vua đáp lại một cách khinh miệt, rằng ông và các hoàng thân em trai, con của Alaungpaya, sẽ đánh lại quân Thanh dù có phải đơn độc chiến đấu. Thay vì phòng ngự thủ đô, Hsinbyushin bình tĩnh đưa một đạo quân thiết lập vị trí tiền tiêu ngoài Singu, bản thân ông cũng dẫn binh sĩ lên tuyến đầu chiến tuyến.[29][35][39]

Trong khi đó, hóa ra là Minh Thụy cũng đã phải căng ra quá sức, và không có khả năng tiến sâu hơn nữa. Quân Thanh giờ ở quá xa căn cứ hậu cần chính tại Hsenwi, cách đó hàng trăm dặm ở miền thượng du Shan phía bắc. Quân du kích Miến đánh phá tuyến vận lương trong rừng của quân Thanh, ngăn trở quân Thanh tiến xa thêm. (Lực lượng du kích được tướng Teingya Minkhaung, phó tướng của Maha Thiha Thura, chỉ huy). Minh Thụy phải quay sang phòng ngự, kéo dài thời gian chờ đạo quân phía bắc đến cứu viện. Nhưng viện quân không bao giờ tới nơi, đạo quân phía bắc bị tổn thất nặng nề trong các đợt hãm thành liên tiếp đánh vào Kaungton. Chỉ huy đạo quân này, chống lệnh Minh Thụy, rút lui về Vân Nam.[5] (Viên chỉ huy này sau bị hạ nhục và bị xử tử theo lệnh hoàng đế nhà Thanh.[35])

Tình hình quân Thanh trở nên bi đát. Đầu năm 1768, viện binh Miến gồm các đội binh thiện chiến từ chiến trường Xiêm bắt đầu về tới nơi. Được tăng cường bởi viện binh, hai cánh quân Miến của Maha Thiha Thura và Ne Myo Sithu đánh chiếm lại Hsenwi. Tướng chỉ huy quân Thanh tại Hsenwi tự sát.[31] Vậy là tới tháng 3 năm 1768, cánh quân chính của nhà Thanh bị cắt đứt hoàn toàn khỏi đường tiếp tế.[35] Hàng ngàn quân Bát kỳ, vốn là các chiến binh du mục miền thảo nguyên phương bắc dọc biên giới với Nga, nay bắt đầu chết vì bệnh sốt rét cũng như vì bị quân Miến tập kích trong cái nóng nung người ở miền trung Miến Điện. Minh Thụy không còn hy vọng tiến đánh Ava, phải tìm cách rút về Vân Nam để bảo toàn lực lượng.[29]

Trận Maymyo

Tháng 3 năm 1768, quân Thanh bắt đầu rút lui, bị quân Miến với khoảng 10.000 bộ binh và 2.000 kỵ binh bám riết. Quân Miến định vây hãm quân Thanh bằng cách chia làm hai cánh quân. Maha Thiha Thura nay là tổng chỉ huy thay Maha Sithu. Cánh quân nhỏ hơn do Maha Sithu chỉ huy, tiếp tục truy đuổi quân Thanh trong khi cánh quân chủ lực của Maha Thiha Thura theo đường núi bất ngờ xông vào hậu quân Thanh. Bằng các cuộc hành binh được chuẩn bị kỹ lưỡng, quân Miến thành công trong việc khép vây hoàn toàn quân Thanh tại Pyinoolwin (nay là Maymyo), cách Ava 50 dặm về phía đông bắc. Sau ba ngày giao chiến đẫm máu, quân Bát kỳ bị tiêu diệt hoàn toàn. Cuộc tàn sát dữ dội đến mức quân Miến không cầm được vào chuôi gươm trơn tuột vì đẫm máu quân địch.[39] Trong tổng số quân ban đầu gồm 30.000 người, chỉ còn 2500 sống sót và bị bắt làm tù binh. Số còn lại hoặc bị giết trên chiến trường, hoặc chết bệnh hay bị hành quyết sau khi đầu hàng.[5] Bản thân Minh Thụy bị thương nặng. Chỉ có một nhóm nhỏ quân Thanh tìm cách phá được vòng vây chạy thoát. Tướng Thanh Minh Thụy dù có thể tẩu thoát cùng nhóm này, nhưng quyết định cắt bím tóc gửi về cho hoàng đế làm minh chứng cho sự trung thành của mình, rồi treo cổ tự sát.[35] Kết cục, cả đoàn quân viễn chinh chỉ còn vài chục người sống sót trở về.[29]